Nhận xét Toan_Ánh

Trích bài viết trên báo Tuổi Trẻ:

[Toan Ánh]...hiền lành và khiêm tốn, chuyên cần tự học, làm việc âm thầm, nhẫn nại và theo đuổi chí hướng đến cùng trong việc tìm hiểu để ghi lại một cách có hệ thống tất cả những gì có liên quan đến phong tục, nếp sống của người Việt Nam từ gia đình đến ngoài xã hội.Nối tiếp một số tiền bối như Phan Kế Bính, Ngô Tất Tố, Chu Thiên..., nhà văn Toan Ánh bắt đầu khuynh hướng viết tiểu thuyết phong tục của mình từ năm 1957 với truyện ngắn Trong lũy tre xanh, và mấy bộ tiểu thuyết cùng loại đề tài sau đó như Ký vãng (1958), Nếp xưa (1962)... Nếp xưa là một tiểu thuyết tài hoa và đầy sức hấp dẫn mà vẫn đảm bảo được tính học thuật nghiêm túc, kết tinh từ năng khiếu quan sát, ghi nhận cuộc sống ở khía cạnh phong tục, nếp sống xưa và thủ pháp thể hiện sinh động của tác giả.[4]

Trên báo Thanh Niên:

Toan Ánh là một trong rất ít các nhà văn Việt Nam thế hệ trước Cách mạng Tháng Tám còn lại ở thế kỷ 21 này. Ông có một kiến văn quảng bác và một bút lực dồi dào, đặc biệt về phong tục tập quán.Ông đã biên soạn hơn 120 bộ sách (mỗi bộ hàng chục tập). Trong đó có nhiều bộ sách rất giá trị như Nếp cũ (11 cuốn), nói về vòng đời của con người Việt Nam (từ lúc là bào thai, sinh ra, đi học, đi làm, lập gia đình, chết, cải táng...), Việt Nam chí lược (5 cuốn: Người Việt đất Việt, Miền Bắc khai nguyên, Miền Trung kiên dũng, Cao nguyên miền thượng, Miền Nam phú cường)... Nếu tập truyện Trong lũy tre xanh (1957) phê phán những hủ tục làng quê thì Phong lưu đồng ruộng (1958) là những bài viết ngắn ca tụng những nét đẹp của đời sống tinh thần nơi thôn xóm.Nếu Bó hoa Bắc Việt (1958) đề cao phẩm chất hiền thục đảm đang của phụ nữ Việt Nam thì Tiết tháo một thời (1957) lại nêu lên khí phách của sĩ phu Việt Nam. Cuốn Hương nước hồn quê (1999) dùng những chuyện tình để giải thích ca dao Việt Nam... Rồi Cầm ca Việt Nam, Hồn muôn năm cũ, Trong họ ngoài làng, Ta về ta tắm ao ta... Phải có một đam mê, tâm huyết lớn và sức lao động bền bỉ mới có được một gia tài đồ sộ như vậy...'' [5]